Quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển

Quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển

Thông tư số 33/2018/TT – BTNMT của Bộ TN&MT quy định quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển, bao gồm: điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển; lập, thực hiện và giám sát; đánh giá việc thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên vùng biển Việt Nam. Thông tư gồm 4 chương 21 điều quy định từ việc điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường đến giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch.

Theo đó, Quy trình khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển bao gồm 4 bước:

1. Điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.

2. Lập kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.

3. Thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển và giám sát việc thực hiện kế hoạch.

4. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.

I. ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO SỰ CỐ TRÀN DẦU TRÊN BIỂN

+ Xác định phạm vi khu vực điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển

Phạm vi khu vực điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển được xác định trên cơ sở ảnh viễn thám, quay phim, chụp ảnh tại hiện trường và các kết quả của hoạt động ứng phó từ thông tin, dữ liệu của các báo cáo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu (sau đây gọi là Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg).

+ Điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển

1. Việc điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển được tiến hành đối với các khu vực đã được xác định theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

2. Trình tự điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển:

a) Thu thập, tổng hợp thông tin, tài liệu, dữ liệu về hiện trạng môi trường, hệ sinh thái biển theo quy định tại Điều 8 Thông tư này;

b) Đo đạc, quan trắc, lấy và phân tích mẫu nhằm xác định nồng độ dầu trong môi trường biển theo quy định tại Điều 10 Thông tư này;

c) Đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển bao gồm: xác định nồng độ tổng dầu mỡ khoáng đối với môi trường nước biển và tổng hydrocacbon trong môi trường trầm tích bề mặt đáy biển theo quy định tại Điều 10 Thông tư này; so sánh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành;

d) Đánh giá sơ bộ ảnh hưởng sự cố tràn dầu trên biển đối với tài nguyên sinh vật, hệ sinh thái;

đ) Lập báo cáo điều tra, khảo sát, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển do sự cố tràn dầu trên biển theo mẫu quy định tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu) là các chủ thể được xác định theo quy định tại Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường có trách nhiệm thực hiện hoạt động, điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.

Việc điều tra đánh giá sơ bộ ô nhiễm môi trường biển do sự cố dầu tràn trên biển phải hoàn thành không quá 10 ngày kể từ khi có báo cáo kết thúc sự cố tràn dầu quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 13 Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu ban hành kèm theo Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg.

4. Căn cứ báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển, thực hiện các hoạt động sau:

a) Trường hợp nồng độ dầu trong môi trường nước, môi trường trầm tích bề mặt đáy biển thấp hơn giá trị tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phép, không có dầu tập kết tại khu vực bờ biển và ảnh hưởng sự cố tràn dầu đối với tài nguyên sinh vật là không đáng kể thì tiến hành công bố thông tin khu vực không bị ô nhiễm môi trường, kết thúc hoạt động khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.

Việc công bố thông tin thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật bảo vệ môi trường về công bố thông tin hiện trạng môi trường;

b) Trường hợp không thuộc quy định tại Điểm a khoản này thì việc điều tra, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường biển được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

Khu vực điều tra, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường biển là khu vực điều tra, đánh giá sơ bộ đã được xác định tại Điều 6 Thông tư này.

+ Thu thập, tổng hợp thông tin, tài liệu, dữ liệu về hiện trạng môi trường biển phục vụ điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển

1. Thông tin, dữ liệu phải được thu thập từ các nguồn thống kê chính thức, được thừa nhận về pháp lý, bảo đảm độ tin cậy, chính xác, được cập nhật mới nhất.

2. Nguồn thông tin, dữ liệu phục vụ đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu bao gồm:

a) Thông tin, dữ liệu từ các Niên giám thống kê của Tổng cục Thống kê và của cơ quan thống kê các cấp ở địa phương;

b) Thông tin, dữ liệu từ các kết quả quan trắc tài nguyên, môi trường của hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường của thế giới, khu vực, quốc gia và hệ thống quan trắc tài nguyên, môi trường của các địa phương; kết quả của các chương trình nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ, cấp nhà nước đã được nghiệm thu;

c) Thông tin, dữ liệu do các bộ, sở, ban, ngành liên quan cung cấp;

d) Các báo cáo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg;

đ) Các thông tin, dữ liệu được điều tra, khảo sát bổ sung tại thực địa;

e) Thông tin, dữ liệu về khu vực điều tra, đánh giá sơ bộ từ ảnh viễn thám hoặc ảnh hàng không;

g) Các thông tin, dữ liệu từ các nguồn tin cậy khác.

3. Thông tin, dữ liệu liên quan đến khu vực điều tra, đánh giá sơ bộ cần thu thập, tổng hợp bao gồm:

a) Thông tin, dữ liệu về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái, bao gồm: điều kiện địa chất, địa mạo đường bờ, khí tượng, thủy văn, hải văn; tiềm năng, phân bố các dạng tài nguyên; các khu bảo tồn, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các hệ sinh thái biển khác;

b) Thông tin, dữ liệu về hiện trạng các thành phần môi trường nước, môi trường trầm tích, tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường, các nguồn thải ở khu vực vùng bờ;

c) Thông tin dữ liệu về thiệt hại tài sản, con người, các tác động đến kinh tế, xã hội, môi trường do sự cố tràn dầu trên biển;

d) Các thông tin, dữ liệu khác có liên quan.

4. Tổng hợp, phân tích các thông tin, dữ liệu đã thu thập.

5. Trường hợp các thông tin, dữ liệu thu thập tổng hợp được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều này không đáp ứng yêu cầu đánh giá sơ bộ ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển thì phải tiến hành điều tra, khảo sát tại thực địa để bổ sung các thông tin, dữ liệu cần thiết theo sơ đồ mạng lưới các vị trí và kế hoạch đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung quy định tại Điều 9 Thông tư này.

+ Xây dựng sơ đồ mạng lưới các vị trí và lập kế hoạch đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung phục vụ điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển

1. Xây dựng sơ đồ mạng lưới các vị trí đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung

Việc xây dựng sơ đồ mạng lưới các vị trí đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung được thực hiện theo các quy định có liên quan về đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung.

2. Lập kế hoạch đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung

a) Nội dung, phương pháp, cách thức đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung;

b) Khối lượng công việc đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung;

c) Thời gian đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung;

d) Nhân lực, trang thiết bị thực hiện đo đạc, quan trắc, lấy mẫu bổ sung.

+ Điều tra, đo đạc, quan trắc xác định nồng độ dầu trong môi trường biển, hiện trạng tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái phục vụ điều tra, đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm môi trường biển

1. Việc đo đạc, quan trắc và lấy mẫu được tiến hành tại các vị trí và theo kế hoạch đã được xác định tại Điều 9 Thông tư này. Việc lấy và xử lý, bảo quản mẫu nước biển và mẫu trầm tích bề mặt đáy biển được thực hiện đúng theo các quy định hiện hành.

2. Quan trắc các yếu tố khí tượng, thủy văn, bao gồm: tầm nhìn xa, nhiệt độ không khí, áp suất khí quyển, độ ẩm không khí, gió, mưa, nhiệt độ nước biển, trạng thái mặt biển; ghi lại các hiện tượng thời tiết khác (nếu có).

3. Tiến hành đo đạc, quan trắc các yếu tố môi trường nước biển, mẫu trầm tích bề mặt đáy biển do sự cố tràn dầu.

4. Quan sát, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn, ghi chép về hiện trạng tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái.

5. Rà soát, kiểm tra, chỉnh lý tài liệu, số liệu đo đạc, quan trắc thực địa.

6. Vận chuyển mẫu về phòng thí nghiệm để phân tích.

7. Xử lý và phân tích mẫu tại phòng thí nghiệm.

+ Điều tra, đo đạc, khảo sát chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường biển

1. Trình tự điều tra, khảo sát chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường biển

a) Phân chia khu vực điều tra, đánh giá chi tiết thành các tiểu vùng căn cứ vào các tiêu chí được quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Xây dựng tuyến, điểm, lập sơ đồ mạng lưới các vị trí đo đạc, quan trắc, lấy và phân tích mẫu môi trường biển trên cơ sở bổ sung, tăng dầy các vị trí đã được xác định theo quy định tại Điều 9 Thông tư này, bảo đảm mỗi tiểu vùng có ít nhất một tuyến đo đạc, quan trắc, lấy mẫu và mật độ vị trí đo đạc, quan trắc phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá chất lượng môi trường biển theo quy định hiện hành; quan sát, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn, ghi chép về hiện trạng, phân tích đánh giá ảnh hưởng của dầu tràn tới tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái;

c) Lập kế hoạch đo đạc, quan trắc, lấy và phân tích mẫu môi trường biển;

d) Thực hiện kế hoạch đo đạc, quan trắc, lấy và phân tích mẫu môi trường biển theo các quy định hiện hành. Các thông số môi trường biển cần phân tích được quy định tại Khoản 3 Điều này.

2. Việc phân chia khu vực điều tra, đánh giá chi tiết thành các tiểu vùng căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

a) Điều kiện tự nhiên, đặc điểm hình thái, địa mạo;

b) Đặc điểm tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái;

c) Các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

3. Các thông số môi trường nước biển; các thông số môi trường trầm tích bề mặt đáy biển do sự cố tràn dầu gây ra cần phân tích theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

+ Đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường biển

1. Nội dung đánh giá chi tiết gồm:

a) Đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường nước biển, trầm tích bề mặt đáy biển trên cơ sở so sánh với các thông số quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành quy định tại Khoản 3 Điều 11 Thông tư này;

b) Đánh giá mức độ tổn thương về môi trường biển do sự cố tràn dầu gây ra đối với các tiểu vùng theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Việc đánh giá mức độ tổn thương về môi trường biển do sự cố tràn dầu gây ra đối với các tiểu vùng được tiến hành như sau:

a) Đánh giá định lượng chỉ số mức độ tổn thương (Iv), được tính toán từ 15 chỉ số thành phần (Vi) và trọng số của các thành phần đó (Ki) theo công thức sau:

IKi ×Vi

 

Giá trị định lượng trọng số Ki của các chỉ số thành phần Vi tương ứng phản ánh mức độ quan trọng của chỉ số thành phần đó đối với chỉ số mức độ tổn thương của tiểu vùng, được xác định thông qua các công cụ, phương pháp khai thác kiến thức của chuyên gia.

Giá trị của các chỉ số thành phần Vi được xác định bằng cách cho điểm theo các tiêu chí quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Phân cấp mức độ tổn thương do ô nhiễm môi trường của tiểu vùng theo giá trị chỉ số mức độ tổn thương Iv thành 04 cấp: mức độ tổn thương thấp, mức độ tổn thương trung bình, mức độ tổn thương cao, mức độ tổn thương rất cao.

3. Lập báo cáo kết quả đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường biển do sự cố tràn dầu trên biển theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục sự cố tràn dầu trên biển có trách nhiệm thực hiện hoạt động điều tra, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố.

Việc điều tra, đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển phải hoàn thành không quá 20 ngày làm việc kể từ khi có báo cáo điều tra, đánh giá sơ bộ.

+ Điều kiện lập kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển

1. Việc lập kế hoạch khắc phục sự cố tràn dầu trên biển được tiến hành khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Số lượng các vị trí có nồng độ các thông số môi trường đánh giá lớn hơn giá trị các thông số cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường chiếm tỷ lệ lớn hơn 25% tổng số vị trí đo đạc, quan trắc, lấy mẫu;

b) Tổng diện tích các tiểu vùng có mức độ tổn thương thấp chiếm tỷ lệ lớn hơn 15% tổng diện tích khu vực điều tra, đánh giá chi tiết.

2. Những trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này thì tiến hành theo dõi diễn biến mức độ ô nhiễm môi trường biển theo quy định tại Điều 14 Thông tư này.

+ Theo dõi diễn biến ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu biển

1. Tiến hành đo đạc, quan trắc, lấy mẫu và phân tích các thông số môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phép và định kỳ đánh giá mức độ tổn thương của từng tiểu vùng.

2. Tần suất đo đạc, quan trắc, lấy mẫu và phân tích các thông số môi trường vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường cho phép:

a) Đối với môi trường nước biển: 01 tuần một lần;

b) Đối với môi trường trầm tích bề mặt đáy biển: 02 tuần một lần.

3. Định kỳ 15 ngày tiến hành đánh giá diễn biến ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển theo mẫu được quy định tại Phụ lục 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục sự cố tràn dầu trên biển có trách nhiệm thực hiện báo cáo diễn biến ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển.

4. Theo dõi diễn biến ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển được tiến hành trong vòng 30 ngày kể từ ngày báo cáo kết quả đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường biển do sự cố tràn dầu trên biển. Trường hợp các thông số môi trường vẫn vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường cho phép thì tiến hành lập kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.

II. LẬP VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KHẮC PHỤC HẬU QUẢ SỰ CỐ TRÀN DẦU TRÊN BIỂN

Lập kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển

1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có báo cáo đánh giá chi tiết mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố tràn dầu trên biển hoặc kể từ ngày kết thúc việc theo dõi diễn biến môi trường biển, cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển có trách nhiệm hoàn thành việc lập kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.

2. Nội dung chính của kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển bao gồm:

a) Căn cứ lập kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển;

b) Mục tiêu, phạm vi của hoạt động khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển;

c) Phương án khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển;

d) Nội dung giám sát việc thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển theo phương án đã được lựa chọn quy định tại Khoản 2 Điều 18 Thông tư này;

đ) Kết quả thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.

Nội dung chi tiết của kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển theo mẫu quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển sau khi lập kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển phải gửi về Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra sự cố tràn dầu và bộ, ngành trực tiếp quản lý.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành gửi kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

III. Thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển

1. Việc thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển phải tuân thủ nội dung của kế hoạch.

2. Sau khi kết thúc việc thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển thì việc gửi báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch đến các cơ quan theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 15 Thông tư này.

+ Điều chỉnh kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển điều chỉnh Kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Phương án khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển theo kế hoạch không hiệu quả;

b) Do yêu cầu đột xuất về quốc phòng, an ninh;

c) Do thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng.

2. Trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này phải căn cứ vào báo cáo kết quả đánh giá việc thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển. Việc điều chỉnh kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển phải hoàn thành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định điều chỉnh.

Nội dung chính của kế hoạch điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Thông tư này và gửi kế hoạch điều chỉnh đến các cơ quan có liên quan thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 15 Thông tư này.

+  Giám sát kết quả việc thực hiện khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển

1. Cơ quan nhận kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát kết quả việc khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển.

2. Nội dung giám sát:

a) Các thông số môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành;

b) Tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái được phục hồi.

IV. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch và kế hoạch được điều chỉnh.

2. Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu trên biển được lập thành báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục 06 ban hành kèm theo của Thông tư này.

Chia sẻ bài viết này: